Trung tuần tháng 10 và đầu tháng 11 năm 2016, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, gió mùa Đông Bắc kết hợp với nhiễu động gió Đông, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to, lũ trên các sông lên mức báo động 2 đến báo động 3, một số sông trên báo động 3. Cùng thời điểm đó, một số hồ thủy điện, thủy lợi xả tràn dẫn tới tình hình ngập lụt, cô lập, chia cắt giao thông diễn ra nghiêm trọng, phức tạp cho vùng hạ du ở các địa phương của tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đăk Lăk...
Theo báo cáo của UBQG TKCN, tình hình thiệt hại như sau: 52 người chết, 07 người mất tích, 86 người bị thương; 52 tàu, thuyền chìm, hư hỏng (trong đó có 02 tàu vận tải). Về tài sản: Sập đổ, cuốn trôi 399 nhà; hư hỏng, tốc mái 1.989 nhà; bị ngập 176.344 và 3.111 điểm trường, trạm y tế, nhà văn hóa; phải di dời khẩn cấp 8.633 nhà dân. Về giao thông: đường quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở dài 100,13 km/54.524 m3; đường giao thông nông thôn bị sạt lở 368,374 km/318.546 m3; cầu treo, cầu gỗ bị cuốn trôi 115 chiếc. Về công nghiệp: gãy đổ 437 cột điện, 101 cột ăng ten; hư hỏng 31 trạm biến áp, 500 trạm BTS; máy móc, thiết bị hư hỏng 3.130 chiếc. Về nông nghiệp: Hư hại 18,3 km kè; 15,260 km đê; 54,370 km bờ sông, biển sạt lở; 328;629 km kênh mương và 523 công trình thủy lợi; hơn 15.000 con gia súc và hơn 01 triệu con gia cầm bị chết, lũ cuốn trôi; hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả và diện tích nuôi trồng thủy sản, lồng bè cá bị thiệt hại. Tổng thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 5.737 tỷ đồng (đợt 1: 4.664 tỷ; đợt 2: 1.073 tỷ)
Ngay khi có thông tin về tình hình mưa lũ, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, UBQG TKCN, BCĐ TW PCTT, các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị Quân đội, Công an đã chủ động chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, triển khai kịp thời, quyết liệt công tác ứng phó với diễn biến mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn. Về công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, trong quá trình di chuyển tránh trú có 07 tàu/38 người bị sóng đánh chìm; 35 tàu/149 người, neo đậu tại bến bị đứt neo, trôi dạt, mắc cạn hoặc bị chìm; UBQG TKCN đã chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam, phối hợp với lực lượng tại chỗ điều hơn 200 cán bộ, chiến sỹ và 27 tàu, thuyền ứng cứu kịp thời.
Theo đánh giá chung, các cấp chính quyền, các địa phương khu vực ảnh hưởng của mưa lũ đã huy động tối đa nguồn lực; duy trì trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để chủ động ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, kịp thời, sâu sát đến từng địa bàn; triển khai các phương án phòng chống ngập lụt, sạt lở, sơ tán dân ra khỏi vùng có nguy cơ đến nơi an toàn; bảo đảm về y tế, lương thực, thực phẩm, nước uống, quần áo, hàng hóa thiết yếu; tổ chức cứu trợ cho các gia đình nạn nhân, gia đình bị thiệt hại, cho đến nay không có người dân nào bị đói, rét, thiếu nước sạch, thiếu nơi ở; các vùng ngập lụt không xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, công tác ứng phó với mưa lũ vẫn còn một số tồn tại như: công tác kiểm tra, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu, tránh trú tại các vùng của sông, cửa vịnh, khu neo đậu chưa được quan tâm đúng mức, dẫn tới nhiều tàu thuyền bị va đập, chìm hoặc đứt neo trôi dạt, mắc cạn; công tác ứng cứu gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết xấu. Vấn đề cập nhật thông tin; xây dựng phương án ứng phó một số nơi chưa sát với tình hình thực tế, nên triển khai ứng phó còn lúng túng, bị động. Công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, ngập lụt của một số địa phương chưa đảm bảo tính đồng bộ, bền vững, căn cơ lâu dài. Công tác phòng chống thiên tai hiện nay chủ yếu tập trung đến hoạt động ứng phó, khắc phục, chưa chú trọng công tác phòng ngừa như nâng cao năng lực; đầu tư xây dựng các công trình phòng tránh cho người dân ở vùng có nguy cơ cao chưa được nhiều, do khó khăn về nguồn lực….
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao công tác chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong công tác chỉ đạo ứng phó với thiên tai, hỗ trợ kịp thời cho người dân và chính quyền địa phương khắc phục kịp thời hậu quả của thiên tai. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, đồng thời yêu cầu các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên tập trung rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, ứng phó với thiên tai. Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ đang diễn ra tại các tỉnh miền Trung hiện nay, nhất là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định khiến mực nước tại các sông đang lên mức báo động 3 và dự báo đợt mưa lũ này sẽ kéo dài trong những ngày tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo công tác ứng phó nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản và lưu ý các địa phương trong ứng phó thiên tai phải chủ động không để bị bất ngờ. Đặc biệt lưu ý phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó kịp thời với mọi tình huống khi thiên tai xảy ra.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu: rà soát, điều chỉnh các quy định, xây dựng các cơ chế cụ thể và phù hợp hiệu quả giữa chính quyền địa phương với các chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong quá trình vận hành điều tiết xã lũ; xử lý nghiêm các chủ hồ không tuân thủ quy trình vận hành xả lũ, không trang bị đầy đủ các thiết bị cần thiết để đảm bảo an toàn hồ chứa và hạ du. Triển khai các giải pháp ưu tiên nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu. Các địa phương chủ động xây dựng lắp đặt các trạm quan trắc khí tượng, thủy văn; bố trí, sắp xếp lại khu dân cư, đảm bảo an toàn tính mạng người dân…
Cũng tại Hội nghị, các địa phương đề xuất Trung ương và Chính phủ tiếp tục hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ, nâng cao năng lực ứng phó thiên tai và báo cáo công tác chỉ đạo ứng phó với mưa lũ đang diễn ra tại các địa phương.
Hà Kiều